NHA TRANG, VIỆT NAM ― Ngay sát không gian ồn ào, đông đúc khách du lịch của bờ biển Nha Trang – một trong 29 vịnh đẹp nhất hành tinh, chỉ còn sót lại rạn san hô Hòn Chồng đẹp đẽ hiếm hoi. Nhưng dù là bãi đẻ bãi giống cho tôm cá ngoài biển giờ đây thi thoảng mới bắt gặp một vài con cá bé tẹo lẩn trốn thật nhanh giữa những nhánh san hô, không hề có đàn cá lội đông đúc như những tờ rơi quảng bá rạn san hô Nha Trang. Vừa chỉ cho tôi một số cụm san hô bị tẩy trắng, bị bệnh, giáo sư Konstantin Tkachenko, nhà khoa học ở Đại học Samara, Nga, có 30 năm nghiên cứu san hô nhìn vào nhiệt kế thở dài “30oC là ngưỡng nhiệt độ cuối cùng san hô có thể chịu đựng. Nếu mức nhiệt của nước lên tới 31-32oC liên tục quá bốn tuần thì san hô sẽ bị tẩy trắng không thể phục hồi”. Có nhiều nguy cơ bủa vây quanh những rạn san hô đẹp đẽ này trong khi bản thân chúng lại quá nhạy cảm trước tác động của biến đổi khí hậu, của môi trường và dĩ nhiên là con người.
Cùng trong vịnh Nha Trang, cách Hòn Chồng chỉ vài chục phút đi thuyền là Hòn Mun, vào năm ngoái, nhiều thợ lặn đã lên tiếng trên truyền thông về đáy biển tiêu điều xơ xác. Nhiếp ảnh gia Na Sơn, người đã lặn hàng trăm lần ở Hòn Mun, lên tiếng “nhiều năm nay, dân lặn chuyên nghiệp ở Nha Trang đã biết là rạn san hô bị suy giảm”. Dẫu hy vọng sau thời gian giãn cách do dịch COVID-19 quay lại sẽ nhìn thấy rạn khỏe mạnh nhưng điều đó không xảy ra. “Sau hai năm ra đó tôi chết lặng vì đáy biển trống trơn, san hô chết trắng. Gần Hòn Mun trước đây có những hang tôm có hàng nghìn con, cá, vậy mà sau dịch không còn gì nữa”. Nếu không nhắc lại chắc ít ai biết, Hòn Mun chính là thí điểm khu bảo tồn biển đầu tiên từ cách đây 20 năm, từng được đánh giá có các rạn san hô với đa dạng sinh học san hô cao nhất ở Việt Nam, với trên 340 loài.
Không chỉ Hòn Mun, nhiều nơi khác ở vịnh cũng lâm vào tình cảnh tương tự. Những gì mà các thợ lặn ở Nha Trang mới chứng kiến cũng đã được giáo sư Konstantin Tkachenko cùng cộng sự đo lường và công bố sau khi đo 20 điểm trong vòng 10 năm, kết quả độ che phủ san hô trung bình giảm 64,4% (tỉ lệ san hô biến mất dao động từ 43% đến 95%). Mức độ suy giảm của san hô ở các điểm khảo sát trên đều nghiêm trọng, chẳng hạn tại điểm quan sát gần đảo Hòn Một, các loài san hô này đã mất hoàn toàn hoặc độ che phủ giảm bốn lần, thậm chí có chỗ giảm tới tám lần. Tình trạng suy giảm đặc biệt nghiêm trọng ở điểm khảo sát phía Bắc đảo Hòn Tre, độ che phủ san hô bị mất 98% (giảm 54 lần).
Hòn Mun đã dừng đón khách du lịch sau khi các cơ quan truyền thông đăng tải tình trạng mà các thợ lặn lên tiếng cũng như hàng loạt các đoàn khảo sát của Khánh Hòa và cả Bộ NN&PTNT đánh giá sơ bộ tình hình các rạn san hô ở đây. Cũng trong năm ngoái, ủy ban nhân dân tỉnh Khánh Hòa ra quyết định thực hiện một chương trình tổng thể gồm rất nhiều ban ngành tham gia phục hồi rạn san hô, từ xây dựng đề tài khoa học cấp tỉnh đánh giá riêng tình trạng Hòn Mun, đề xuất đề tài đánh giá lại toàn vịnh, kêu gọi sự hỗ trợ kỹ thuật và tài chính của các tổ chức quốc tế, đề xuất lắp camera giám sát, cho đến tuyên truyền và trồng mới san hô. Nhưng nỗ lực có còn kịp cứu vãn hệ sinh thái nơi này?
Kho lẫm trời cho đã cạn
Không ai có thể hình dung về sự giàu có tưởng như vô tận mà các rạn san hô có thể mang lại rõ ràng hơn những ngư dân ngày đêm bám biển. “Cá bơi từng bầy từng bầy, phải lựa lựa mới bắt nha chứ không phải con nào cũng bắt. Bắt hết thì tàu ghe nào chở nổi! Hồi đó tụi tui mỗi một đêm lặn về bán cá được một chỉ vàng là mặt buồn hiu”, ông Hải (tên nhân vật đã được thay đổi), một tài công lái tàu kể lại về 20 năm trước ở Côn Đảo. Và có lẽ những hình ảnh này cũng là phản chiếu của Nha Trang, nơi vịnh đã từng đem lại những chùm cá nặng cho 2.000 tàu cá bám biển.
Không phải ngẫu nhiên mà các rạn san hô lại trở thành những kho lẫm giàu cá tôm. Hệ sinh thái rạn san hô là mái nhà che chở của 7000 loài động vật từ có xương sống tới không xương sống, cho tới các loài to lớn như rùa biển hay thú có vú. Chúng chọn các rạn san hô bởi cảm thấy yên ổn, có chỗ nương náu và đầy rẫy những động vật thủy sinh, tôm cá nhỏ làm mồi. Dần dà, chúng cũng chọn nơi này làm bãi đáp để sinh sản, bảo tồn giống nòi. Vì chỉ sống được ở vùng nước từ 18oC trở lên, san hô là kho báu trời cho với các nước có bờ biển ấm. Rạn san hô của Việt Nam thuộc về khu vực Đông Nam Á – được đánh giá là trung tâm của đa dạng sinh học khi có tới 355 loài san hô, 1300 loài cá rạn, sống dựa vào hệ sinh thái rạn. Để hình dung về giá trị của hệ sinh thái rạn san hô, chỉ nhìn vào một đơn cử Hòn Mun nơi “rạn san hô là hệ sinh thái quan trọng để duy trì hệ sinh thái chức năng cho cả Khu bảo tồn”, vào năm 2005 – khi san hô nơi này vẫn còn khỏe mạnh, ước tính có giá trị hơn 70 triệu USD.
Nhưng rất tiếc là kho báu trời cho này đang suy giảm nặng nề đến mức không thể phục hồi.
Nha Trang không phải nơi duy nhất mất mát rạn san hô, ngay sát đó là rạn san hô ở Núi Chúa, Ninh Hải, Ninh Thuận cũng có mức suy giảm ở các điểm đo lên tới 90%, giáo sư Konstantin Tkachenko cho biết. Ông đã cùng cộng sự ở Trung tâm Nhiệt đới Việt – Nga công bố ngay trong năm 2023. Ngay trước đó hai năm, một công bố, đo đạc ở sáu điểm gồm Nghi Sơn (Thanh Hóa), Kỳ Lợi (Kỳ Anh, Hà Tĩnh), Sơn Trà (Đà Nẵng), Ghềnh Ráng (Bình Định), Tuy An (Phú Yên) và Vũng Rô (Khánh Hòa) của TS. Lê Đoàn Dũng cũng cho thấy chỉ còn 5% san hô vẫn đang trong tình trạng khỏe mạnh, tức là có độ che phủ từ 75%, còn lại hầu hết ở trong tình trạng có độ che phủ thấp, dưới 25%.
Các rạn san hô không còn gồng gánh nổi gần trăm nghìn tàu cá lớn nhỏ ngày đêm quăng lưới. Hậu quả đã nhìn thấy rõ. Tôm cá rạn san hô ở các ngư trường lớn giàu có nhất của Việt Nam cũng đã cạn kiệt. Một kết quả nghiên cứu mới công bố năm ngoái cho thấy ở ngay khu bảo tồn biển Phú Quốc, cá lớn có chiều dài trên 20 cm chỉ còn chiếm khoảng 1% tổng số cá rạn. Trong hai năm quan sát, các nhà nghiên cứu ghi nhận mật độ các loài thủy sản có giá trị cao đều rất thấp, như cá sạo dưới 0,01%, cá khế dưới 0,2%, cá hè dưới 0,3%, cá hồng dưới 0,4%, cá mú dưới 2% và cá bướm dưới 3%.
Ngay ở Côn Đảo, được các nhà khoa học đánh giá là nơi quyết liệt giữ gìn, nguồn cá rạn cũng suy giảm nhiều. Từ năm 2005 đến nay, các loài mà trước đây những ngư dân như ông Hải “phải lựa lựa con to lắm mới bắt” như cá hồng, cá mú, cá dìa suy giảm rõ rệt, các loài thường được giới nghiên cứu sinh học lấy làm chỉ tiêu đánh giá như trai tai tượng, ốc đụn trước đây dày đặc nay hiếm lắm mới gặp.
Cuộc giằng co 20 năm
Những gì xảy ra khắp các rạn san hô đều không xảy ra trong ngày một ngày hai, đó là hệ quả của suốt một thời gian dài, chúng ta mặc nhiên coi rạn san hô là con bò sữa vắt đến cạn kiệt, không ai coi đó là cái lõi sự sống của biển cả. Suốt quãng thời gian này, các rạn san hô đã chứng kiến tất cả những mâu thuẫn chồng chất.
Vòng luẩn quẩn của đánh bắt
Suốt hai thập kỷ, các rạn san hô đã phải chịu trận khai thác tận diệt bằng đủ mọi cách thức. Thật ít ai biết rằng, cyanua, loại hóa chất cực độc đủ sức đoạt mạng người, lại có thể hỗ trợ ngư dân bắt cá. Ông Hải kể “hồi đó học người đánh cá nước ngoài làm, cũng không ai nói đó là cyanua cực độc mà gọi là thuốc mê”… chuốc cho cả đàn cá say ngủ dễ bắt đồng nghĩa với việc chuốc luôn cả rạn san hô tan tành. Mọi chuyện cứ thế diễn ra cho tới tận mãi gần đây mới biết là chất độc hại và thôi không dùng.
Sau nạn cyanua là một hung thần không kém: những chiếc lưới giã cào, càn quét hàng km dưới đáy biển, không chỉ quơ hết con tôm cá nhỏ bằng ngón chân cái mà còn kéo gãy nát vụn san hô. Sau khi thuyền lưới giã cào mắt nhỏ chỉ 5 cm kéo qua lòng biển trống tan hoang, không còn gì để có thể quay lại lần nữa.
Số lượng tàu cá quá dày đặc, cách đánh bắt tận diệt phổ biến có khiến cho ngư dân thêm giàu có? Thực tế cho chúng ta một câu trả lời khác. Dữ liệu Điều tra mức sống hộ gia đình trong cả nước cho thấy nhóm càng đóng tàu to, hoặc càng hỗ trợ tài chính cho ngư dân xa khơi thì càng lỗ. “Vì càng xa bờ càng ít các loài có giá trị kinh tế cao và chi phí đánh bắt càng cao sẽ càng dễ lỗ hơn. Càng trợ cấp thì sẽ càng khiến chi phí đánh bắt giảm xuống, khuyến khích ngư dân tham gia khai thác tự do dẫn đến nguồn lợi càng cạn kiệt do vậy về dài hạn sẽ càng giảm thu nhập và mất sinh kế của người dân”, TS. Nguyễn Viết Thành, ĐHQGHN, cho biết. Phân tích số liệu thống kê cũng phát hiện chỉ 6% hộ gia đình ở các xã ven biển nuôi trồng thủy sản nhưng thu nhập cao hơn rất đáng kể so với các nhóm xa khơi.
Liệu trong bối cảnh càng đánh bắt xa khơi càng nghèo kiệt tự nhiên như thế thì du lịch có phải là một giải pháp tốt? Nhiều người cũng trông mong như vậy, nên mười mấy năm trước được Ban Quản lý vườn Quốc gia Côn Đảo và Tổ chức Bảo tồn thiên nhiên Quốc tế (WWF) vận động chuyển đổi sinh kế sang làm du lịch ông Hải đồng ý ngay. “Nghe các anh chị ấy giảng giải, tôi cũng muốn lên mặt biển làm người tốt, không muốn tàn phá san hô và lặn nguy hiểm”. Nhưng nguồn kinh phí hỗ trợ để sửa tàu ít ỏi, ông chỉ có thể sửa được ghe cá nhỏ thành tàu du lịch nên “khách xuống thấy sàng qua sàng lại, lắc lư tròng trành sợ quá đi lên luôn”, “tui với mấy người chuyển đổi hồi đó phải bán ghe”, ông Hải đi lái cano du lịch thuê. Nhưng sự trớ trêu luôn tồn tại, nhiều gia đình mua cano lên tới vài trăm triệu vì lượng khách du lịch đi cano ngắm vịnh, bơi lặn ngắm san hô còn ít, nên rất nhiều cano ế khách nằm dài trên bến “cano đầy biển, rao bán cano tùm lum”. “Nhiều anh em bạn lặn than cá không còn nữa nhưng chuyển qua cái gì giờ?”.
20 năm trước, Nha Trang cũng đã cố gắng chuyển đổi sinh kế cho người dân bằng cách cho vay vốn, tạo vùng nuôi trồng thử nghiệm các loại cây, con “thân thiện” với môi trường, khuyến khích làm du lịch bằng thuyền đáy kính ngắm san hô, làm hàng mỹ nghệ, chăn nuôi… trong dự án Bảo tồn Hòn Mun nhưng không phải ai cũng có thể chuyển đổi từ biển lên bờ. Nhìn rộng ra, việc chuyển đổi sinh kế cho cả chục nghìn tàu cá để giảm số lượng tàu hiện nay không dễ dàng gì (cả nước hiện có 95.000 tàu cá, số lượng lớn ít nước nào có).
Cái bẫy du lịch quá nóng
Vừa đón 450.000 lượt khách năm 2022, có lẽ Côn Đảo đang ở vị trí của Nha Trang 20-25 năm về trước – những ngày đầu xây dựng trở thành hình mẫu bảo tồn biển đầu tiên ở Việt Nam, khi số lượng khách du lịch tại Nha Trang là 390.000 vào năm 1996. Đến nay, Nha Trang tự tin đón 4 triệu lượt khách du lịch vào năm 2023 nhưng đi cùng với đó là cái giá quá đắt cho rạn san hô. Mà chính Tỉnh ủy Khánh Hòa đã nêu trong thông báo số 347 năm 2022, ngoài các vấn đề tự nhiên không tránh khỏi gồm bão, biến đổi khí hậu (không có hiện tượng acid hóa đại dương), hệ sinh thái biển và rạn san hô bị “khai thác thủy sản trái phép, nạo vét, xây dựng các công trình ven biển không đúng quy định, xả thải từ các hoạt động du lịch…”.
Du khách đến làm giàu cho địa phương nhưng mặt trái nhãn tiền của nó là dẫn đến nhu cầu thưởng thức hải sản thuần tự nhiên, qua đó “kích cầu” đánh bắt triệt để hơn. Nếu nhìn nhận thấu đáo hơn thì du lịch thiếu bền vững chính là nhân tai của biển. Giáo sư Konstantin Tkachenko, người chứng kiến sự thay da đổi thịt của vịnh Nha Trang hơn một thập kỷ qua nhờ du lịch biển, đã thấy tác động của nó. Ông vừa đo đạc san hô ở 20 điểm, vừa chụp lại hết quá trình xây dựng cơ sở hạ tầng phục vụ du lịch, trong đó có bạt đồi núi, nạo vét đẩy xuống biển. Ông cho rằng, thủ phạm lần lượt là “hiện tượng gia tăng bồi lắng do cải tạo đất, nạo vét, xây dựng ven biển, đặc biệt là hoạt động xây dựng trên đảo Hòn Tre; thứ hai là hiện tượng phú dưỡng ngày càng tăng chủ yếu do xả thải từ đất liền cũng như sự phát triển bùng nổ của nghề nuôi trồng thủy sản trong khu vực; thứ ba là đánh bắt quá mức và khai thác cạn kiệt nguồn lợi hải sản ở biển và cả dưới đáy biển”. Thực ra không chỉ riêng nhóm của ông, trước đó, các nhóm khác đơn cử như của TS. Nguyễn Đức Ái, công bố trên tạp chí Coral Reefs đã nêu rất rõ các bằng chứng thông qua việc đo đạc, đánh giá tác động từ hoạt động xả thải, san lấp, nạo vét ở vịnh Nha Trang để xây dựng các resort, khu du lịch.
Không chỉ san lấp xây dựng đổ từ trên xuống, trước khi bị cấm nghiêm ngặt như bây giờ, du lịch đã tấn công vào san hô từ mọi phía, từ dưới lên theo cách “của một kho mỗi người mỗi mo cũng hết” – nhiều năm trong các tour du lịch, khi những người thợ lặn cho đến khách du lịch đều sẵn sàng bẻ cành san hô về làm kỷ niệm, sẵn sàng bứng từng mảng san hô làm tiểu cảnh non bộ. Thậm chí đảo qua chợ Bến Đầm, TP. Nha Trang, chứng kiến tiểu thương của chợ bày bán những cụm san hô trắng muốt, tôi tự hỏi chúng đến từ những rạn san hô nào?
Mất cân bằng sinh thái làm thiên địch sinh sôi
Vòng luẩn quẩn về sinh kế không được giải quyết, đánh bắt tận diệt đã vĩnh viễn làm mất cân bằng hệ sinh thái, khiến cho thiên địch của san hô – sao biển gai bùng phát dữ dội. Trong điều kiện cân bằng, mật độ sao biển gai khoảng 1 con/1 hecta, tương đương 0.001 con trên 100m2, sẽ không ảnh hưởng tới sinh trưởng của san hô, nhưng khi mất cân bằng sinh thái thì sao biển gai bùng phát với cấp số nhân, và khả năng ăn của mỗi con là 15m2 san hô/năm. Thế nên giờ đây sao biển gai đang bùng phát tại Côn Đảo, thậm chí có những thợ lặn địa phương đã phát hiện tới hơn ba mươi sao biển gai chỉ ở một điểm lặn. Bài học ở Nha Trang đã cho thấy, sau khi du lịch bùng nổ, khai thác tận diệt, sau rốt sao biển gai đã càn quét nốt phần còn lại “những phần san hô ít ỏi còn tương đối khỏe mạnh trong vịnh Nha Trang trong giai đoạn 2016-2019”. Ở Núi Chúa, san hô vừa bị tẩy trắng vừa bị sao biển gai tấn công dữ dội.
Trong bối cảnh san hô và hệ sinh thái biển chỉ được nhìn nhận ở tư duy khai thác như vậy suốt nhiều năm và gánh chịu áp lực từ hầu như tất cả các hoạt động kinh tế xã hội ở trên biển, muốn thay đổi cần phải có quyết tâm chính trị rất lớn. Nhưng chính các khu bảo tồn cũng có nhiều thế khó, nhìn một cách hệ thống, xét về mô hình tổ chức các khu bảo tồn không thống nhất, phân tán “có năm mô hình khác nhau, cái thì trực thuộc huyện, trực thuộc chi cục thủy sản, sở NN&PTNT tỉnh, thành phố, các vườn quốc gia (Bái Tử Long, Cát Bà, Núi Chúa, Côn Đảo là các vườn quốc gia mà khu bảo tồn biển trực thuộc)”, ông Lê Trần Nguyên Hùng, Phó Vụ trưởng Vụ Bảo tồn và Phát triển nguồn lợi thủy sản phân tích và chỉ ra tại hội thảo tháng 12/2019 của Tổng cục Thủy sản. “Chính vì những mô hình, hệ thống tổ chức khác nhau nên thẩm quyền thực thi pháp luật, nhiệm vụ quản lý nhà nước của các khu bảo tồn gặp rất nhiều khó khăn”. Bên cạnh đó, cũng giống như chuyện xảy ra với các hạt kiểm lâm, nguồn lực đầu tư, cả về nguồn kinh phí lẫn nhân lực, cho các khu bảo tồn này rất hạn chế.
Giữ lại ốc đảo cuối cùng?
Trong cả nước hiện nay chỉ còn lại Côn Đảo có rạn san hô tốt nhất, nhiều rạn có tuổi đời lên tới 200-300 trăm năm, tầng tầng lớp lớp như thủy cung rực rỡ, với số lượng các loài san hô phong phú, đa dạng hơn bất kỳ vùng biển nào của Việt Nam. Liệu có giữ được nó, trước sức ép phát triển kinh tế?
Cả các nhà quản lý và người dân ở Côn Đảo thực sự muốn tránh vết xe phát triển du lịch và khai thác hải sản ồ ạt tới mức nhìn thấy “lãi” ngay trước mắt nhưng lại “âm” vào môi trường và sinh kế bền lâu trên chính ngư trường từng rất giàu có. Ở Côn Đảo, không chỉ dễ dàng thấy được chiến lược phân vùng bảo tồn nghiêm ngặt, ý thức rất rõ rệt về sự hạn chế nguồn lợi tự nhiên ở đảo cũng như chính sách nghiêm cấm đánh bắt ở các vùng bảo tồn mà huyện còn có nhiều nỗ lực chi tiết như làm phao neo đậu cho cano du lịch tránh neo vào san hô ở bãi rạn, dời bãi tàu ở đảo Côn Sơn sang bến Đầm tránh việc tàu ra vào làm hỏng rạn… Những điều tỉ mỉ ấy khiến cho Hồ Phong, thợ lặn lập ra Con Dao Dive Center cảm thấy “ngỡ ngàng vì sau vài năm san hô phát triển đẹp bất ngờ”.
Hiện nay, ngoài một vài khu nghỉ dưỡng nằm dưới những tán rừng, với mật độ xây dựng thấp vài căn hộ trên một hecta, Côn Đảo chỉ có khu thị trấn trung tâm với những khu khách sạn khá thấp tầng hướng ra mặt vịnh Côn Sơn. Nhiều năm nay, mặc dù các nhà quản lý ở Côn Đảo được mệnh danh là “khó khăn lắm” trong việc cấp phép đầu tư xây dựng các khu du lịch và yêu cầu lấy ý kiến người dân trước khi cấp phép xây dựng nhưng nhiều người làm du lịch biển ở đây lại cảm thấy yên tâm, vì “giữ được hệ sinh thái biển, đảo của Côn Đảo lâu chừng nào tốt chừng ấy”, như nhận xét của Hồ Phong. “Mặc dù sầm uất hơn chúng em sẽ kiếm được rất nhiều tiền hơn nhưng rồi sẽ chẳng còn rừng hay rạn san hô. Mình giữ như này để thu hút du khách muốn tìm về thiên nhiên”. Thậm chí không chờ chính quyền địa phương vận động, mỗi khi đưa khách du lịch đi lặn biển, chính Phong luôn mang theo dấm đi tiêm vào sao biển gai vì “nhìn thấy nó ăn san hô xót ruột không chịu nổi chị ơi”, hoặc tự nhặt lưới mắc vào các rạn san hô. Diễn, em của Phong, cũng tham gia các nhóm tình nguyện nhặt rác, quay phim về rác thải nhựa ở Côn Đảo.
Dẫu vậy, Côn Đảo bắt đầu quá tải, khi vào mùa du lịch cao điểm nước ngọt yếu hoặc mất cục bộ, rác chưa kịp xử lý gây nguy cơ ngấm xuống tầng nước ngầm nhanh chóng do Côn Đảo chỉ có một tầng chứa nước chính. Đối với những cán bộ phòng Tài nguyên môi trường ở đây, mối lo lớn nhất là quá sức tải môi trường và họ cũng rất mong chờ sớm có đánh giá sức tải môi trường theo Đề án Kinh tế tuần hoàn của tỉnh.
Dẫu cả Vườn Quốc gia và UBND huyện bảo bọc kỹ như vậy thì những rặn san hô ở đây vẫn không tránh được nạn sao biển gai và đánh bắt cá. Ban quản lý Vườn Quốc gia Côn Đảo đang cấp tốc mò bắt sao biển gai nhưng quả thực “nhân lực vẫn rất mỏng, tuyển người có bằng lặn, gắn bó với Vườn quốc gia bây giờ rất khó vì công việc gian khổ”, như anh Lê Hồng Sơn, Trưởng phòng bảo tồn và hợp tác quốc tế, Ban Quản lý Vườn Quốc gia Côn Đảo cho biết. Dưới góc độ của ngư dân, thậm chí họ còn nhìn thấy nhiều nguy cơ mà chính Vườn Quốc cũng chưa thấy hết. Vùng có san hô vẫn luôn là bờ xôi ruộng mật khiến những ngư dân chưa có nguồn sinh kế khác luôn muốn vào khai thác, vì vùng không có san hô “chỉ toàn là cát không à, còn gì đâu mà bắt. Tất cả 70-80% diện tích thuộc về khu bảo tồn, vùng đỏ hết rồi, mấy anh có đi là đi ăn trộm thôi”, một người ngư dân giấu tên cho biết. “Chúng tôi không bắt thì người nơi khác cũng vào bắt, ít ra chúng tôi là người Côn Đảo còn phải giữ cho Côn Đảo này. Người ngoài vô mới đáng sợ vì họ không coi Côn Đảo là của họ, họ sẽ làm hết tất cả những gì có thể rồi sau đó rút”. Không chỉ nạn đánh bắt tận diệt ở các vùng biển ngoài phạm vi bảo vệ nghiêm ngặt của Vườn Quốc gia, mà ngay chính trong vùng quản lý của Vườn Quốc gia, người dân vẫn có thể vô tình vi phạm nếu như không được hướng dẫn, phân vùng bằng phao trên thực tế, “chúng tôi đi biển đâu ai mang bản đồ? Làm sao biết chỗ nào màu đỏ màu xanh trên bản đồ, giá mà có đánh dấu bằng dây và phao phân vùng thì chúng tôi mới biết rõ được”.
Rõ ràng, chừng nào chưa có chiến lược sinh kế khác thì ngư dân vẫn tiếp tục tìm đến các vùng san hô. Trong khi đó, Vườn Quốc gia Côn Đảo chỉ có một lực lượng mỏng, với mỗi hòn đảo chỉ có 3 – 4 người quản lý cả vùng rừng và biển mênh mông, hòn nhiều nhất được 5 – 6 người. Lực lượng ít nên căng mắt ngày đêm vẫn có thể sót, đặc biệt là những thuyền cá vãng lai, mỗi khi biển động vào trú ở cảng Bến Đầm có khi lên tới 1000 chiếc, trong đó có cả thuyền kéo giã cào hoặc câu kiều với hàng chục móc câu dính chùm càn quét, một lần vào là “banh chành” hết cả rạn. Những áp lực tứ bề đổ vào rạn san hô giống như giữa mênh mông biển cả, các rạn san hô cũng đang phải hứng đủ nguồn rác thải đại dương trôi dạt, rác từ lưới, bao đựng đá, muối, của hàng vạn tàu cá đi hàng tháng trên biển vẫn tích tụ ngày qua ngày. Lực lượng bảo tồn ở Côn Đảo vẫn đang nỗ lực gìn giữ rạn. Nhưng rõ ràng, nhìn vào bài học của các vùng khác thì có thể thấy áp lực sẽ còn gia tăng. Chúng ta giữ được rạn san hô Côn Đảo đến đâu trước khi quá muộn trước đòi hỏi phát triển kinh tế? Côn Đảo chính là hình ảnh quá khứ của những vịnh Nha trang, Núi Chúa, Phú Quốc… chỉ trong 1-2 thập kỷ ngắn ngủi mà giờ đây mọi nỗ lực đều “còn nước còn tát”. Nếu không can thiệp, sẽ tới ngày chúng ta chỉ còn thấy san hô trong bảo tàng. Lúc đó chúng ta sẽ không chỉ cất lời ai điếu cho san hô mà sẽ là lời ai điếu cho biển khơi trơ trọi cá tôm.
Bài viết được sản xuất dưới sự hợp tác của Tạp chí Tia Sáng và Mạng lưới Báo chí Trái Đất. Bài gốc được đăng trên Tạp chí Tia Sáng ngày 20/6/2023.