Read the English version of the story here. Đọc bài tiếng Anh tại đây.
THỪA THIÊN HUẾ, VIỆT NAM – Một buổi sáng năm 1998, Hồ Văn Ngọc (sinh năm 1981), lúc đó chỉ mới là học sinh lớp 6 cùng với hai người bạn của mình cùng cư trú ở thôn Ka ron, xã A Roàng, huyện A Luới, Thừa Thiên Huế đi sâu vào rừng, đến các khe suối đánh bắt cá thì nghe tiếng chó sủa phía hạ nguồn dòng suối.
Anh cùng bạn cầm theo dao rựa đi theo tiếng chó sủa, tới một vách đá thì phát hiện ra một con vật to lớn chừng 50-60kg, hai sừng dài, nhọn hoắt.
Với trí nhớ về hình ảnh những lần cán bộ kiểm lâm đi tuyên truyền, Ngọc nhận ra đây là Sao la, loài động vật có vú rất quý hiếm hay được gọi là “kỳ lân châu Á” vì tập tính nhút nhát và rất ít khi chạm mặt loài người.
Ba người chặt một sợ mây, thắt vòng rồi đứng từ trên mõm đá thả xuống, tròng vào cổ con vật. Khi đã khống chế được, cả ba tìm đường xuống khe nước họ chặt cây, dựng hàng rào lên bao quanh để bảo vệ. Xong việc Ngọc tìm những cây môn thục, thức ăn yêu thích của loài Sao la, bỏ vào cho con thú rồi quay trở về nhà.
Sao la rất nhút nhát và khả năng tự vệ rất kém. “Nó chỉ cúi đầu húc vào con chó để tự bảo vệ mình, nhưng vẫn bị cắn một vết ở chân”, Ngọc nhớ lại.
Thôn Ka Ron nơi Ngọc sinh sống cách chỗ phát hiện Sao la khoảng 10 cây số. Về tới nơi họ đi thẳng ra trụ sở xã thông báo. Tối hôm đó nhóm bạn trằn trọc không ngủ được, sợ bị vạ lây nếu con thú có mệnh hệ gì. Sáng sớm hôm sau, ba người dẫn cán bộ kiểm lâm vào rừng. Lực lượng kiểm lâm ghi hình và lưu lại thông tin rồi phá hàng rào để tái thả Sao la về với tự nhiên.
Ngọc cùng hai người bạn là Hồi Văn Hồi (sinh năm 1975) và Hồ Văn Bai (sinh năm 1982) sau đó được vinh danh về việc “có công bảo vệ Sao la, loài động vật quý hiếm”. Phần thưởng nhận được là mỗi người 300 nghìn đồng và giấy khen của Chi cục Kiểm lâm tỉnh.
Đó là lần cuối Saola được con người nhìn thấy trực tiếp ngoài tự nhiên. Loài vật quý hiếm này chỉ mới được khoa học phát hiện chính thức vào năm 1992 và được coi là một trong những khám phá động vật kì diệu nhất của thế kỉ 20, tuy nhiên chỉ vài thập kỷ sau chúng đã đứng trên bờ vực tuyệt chủng.
Hiện nay, theo đánh giá của Nhóm Làm việc về Sao la (Saola Working Group), chỉ còn khoảng 15-20 cá thể sao la phân bố rải rác khu vực Trung Trường Sơn của Việt Nam, một trong hai vùng duy nhất trên thế giới có Sao la sinh sống.
Các nỗ lực bảo tồn Saola ở Việt Nam đã bắt đầu từ đầu những năm 2010, tuy nhiên tới thời điểm hiện nay, cánh cửa bảo tồn những cá thể Saola cuối cùng đang dần khép lại. Thách thức đối với công cuộc bảo tồn, như săn bắt trái phép, phát triển kinh tế và thiếu nguồn lực, đang ngày càng chồng chất.
Nguy hiểm rình rập
Ngọc và nhóm bạn là những người hiếm hoi trên Trái Đất được tận mắt nhìn thấy một cá thể Saola còn sống. A King, một cư dân 54 tuổi của thôn Ka Ron, chỉ được thấy cá thể Saola sau khi nó đã bị bắn chết và được dân làng khiêng về. Con thú sau được người dân mổ thịt chia cho cả làng.
“Thịt nó không ngon như những loài thú khác, nhưng cặp sừng thì rất đẹp”, A King kể lại.
A King cho biết người dân thôn ông, dùng súng AK và AKC nhặt được khi khai thác phế liệu ở các hầm do chiến tranh, từng săn bắt được 2 con như vậy. Những cuộc khảo sát của Chi cục Kiểm lâm tỉnh Thừa Thiên Huế cũng đã từng ghi nhận 27 bộ sừng Sao la có trong các nhà dân sống ven rừng.
Ông Hoàng Quốc Huy, Phó giám đốc Trung tâm Bảo tồn đa dạng sinh học Green Việt, cho biết việc người dân săn bắt động vật hoang dã trái phép là mối đe dọa hàng đầu có thể dẫn đến sự tuyệt chủng của loài Saola. Theo Liên minh Bảo tồn Thiên nhiên Quốc tế IUCN, mặc dù các thợ săn không có chủ ý tìm kiếm Saola vì loài này hầu như không có giá trị thương mại, chúng vẫn rất dễ bị mắc bẫy và bị bắt lại.
Kể từ khi thành lập, các đội tuần tra rừng khu bảo tồn Sao la Thừa Thiên Huế đã phá, gỡ được hơn 22.000 chiếc bẫy thú các loại, đa phần là bẫy rút được làm từ dây cáp nhỏ. Trong khi đó, tại Khu bảo tồn Sao la Quảng Nam từ năm 2008 đến giữa tháng 6-2023, các đội tuần tra đã gỡ hơn 15.000 các loại bẫy, phá bỏ gần 200 lán trại của các nhóm săn bắt thú.
Ông A King kể lại trước đây những khu rừng gần thôn Ka Ron có rất nhiều động vật hoang dã. Lợn, gà rừng thường xuyên về sát thôn bản để kiếm thức ăn.
Ông tin rằng việc tuyến đường Hồ Chí Minh được mở ngang qua thôn những năm 2000 làm cho các thợ săn từ nơi khác dễ vào rừng và khiến muôn loài bị đánh bắt nhiều hơn.
Các hoạt động phát triển kinh tế khác cũng góp phần tạo thêm áp lực cho quần thể Sao la, vốn đã mỏng.
“Việc chúng ta phát triển nhiều thủy điện sẽ dẫn đến việc chia cắt sinh cảnh của các loài, làm nhiễu động môi trường sống”, ông Nguyễn Đại Anh Tuấn, Phó Giám đốc Sở Nông nghiệp và Phát triển Nông thôn tỉnh Thừa Thiên Huế nói với Mekong Eye.
“Cá thể các loài có tồn tại nhưng quần thể quá nhỏ làm cho con đực con cái không gặp nhau được nên không thể sinh sôi, duy trì nòi giống,” ông Tuấn giải thích.
Mò kim đáy bể
Theo các nhà bảo tồn, nhân giống trong điều kiện nuôi nhốt là biện pháp cuối cùng để phục hồi quần thể Saola ngoài tự nhiên. Thế nhưng khó khăn lớn nhất lại nằm ở việc tìm kiếm những cá thể Sao la còn sót lại để thực hành nhân giống.
Trong hơn 10 năm vừa qua, các đội tuần tra rừng của khu bảo tồn Saola Quảng Nam và Thừa Thiên Huế đã thường xuyên đặt bẫy ảnh để tìm kiếm Saola, nhưng hoạt động này chưa thu được kết quả khả quan.
Từ năm 2012 đến 2014, WWF Việt Nam đã thông qua dự án “Dự trữ các-bon và Bảo tồn Đa dạng Sinh học” đã thực hiện khảo sát thu thập mẫu vắt tại các khu rừng nơi có thông tin Sao la sinh sống. Các mẫu máu vắt thu được sau đó đã được gửi tới Viện Động vật học Côn Minh (Trung Quốc) và Đại học Frankfurt, Đức để phân tích gen. Tuy nhiên theo ông Lê Ngọc Tuấn, Chi cục Trưởng chi cục Kiểm lâm tỉnh Thừa Thiên Huế, chỉ có một mẫu vắt thu thập được trong giai đoạn 2014-2015 nghi ngờ là có ADN của Sao la.
“Mọi thông số cũng chỉ đang ở mặt nghi ngờ cũng chưa chắc chắn được”, ông Tuấn nói.
Trong một vài trường hợp đặc biệt Sao la được tìm thấy trong tình trạng khỏe mạnh, các cá thể cũng không tồn tại được trong điều kiện nuôi nhốt. Ví dụ năm 1992, Vườn Quốc Gia Bạch Mã cứu hộ được một cá thể Sao la nhưng không giữ được sự sống cho cá thể này do thiếu kinh nghiệm và kĩ thuật.
Năm 1996, một cá thể Saola tên Martha được tìm thấy ở Lào cũng chết vài tuần trong điều kiện nuôi nhốt, mặc dù được chăm sóc dưới sự giám sát của nhà sinh học Williams Robinchaud.
Theo WWF Việt Nam, các hoạt động tìm kiếm hiện nay chỉ mới được thực hiện trên khoảng 6% diện tích vùng sinh cảnh nơi Sao la có thể còn hiện hữu. Khu bảo tồn Sao la Quảng Nam tự trang bị được 20 bẫy ảnh cho 15.000 héc ta rừng, trong khi khu bảo tồn Sao la Thừa Thiên Huế chỉ có khoảng 10 nhân viên tuần tra băng rừng hàng ngày tới khu vực giám sát. Công việc đầy rẫy những nguy hiểm từ địa hình chia cắt, hiểm trở, nhiều thác ghềnh đến thời tiết cực đoan, thú rừng và côn trùng.
Chạy đua với thời gian
Dù việc tìm kiếm Sao la bằng mẫu ADN chưa mang lại kết quả tích cực, tuy nhiên bằng phương pháp phân tích trên những mẫu máu vắt ban đầu đã ghi nhận sự có mặt của các loài quan trọng như Lợn rừng (Sus scrofa), Sơn dương (Capricornis sumatraensis), Chồn (Melogale moschata), Mang Trường Sơn (Muntiacus truongsonensis), Mang thường (Muntiacus muntjak), Sóc bụng đỏ (Dremomys rufigenis), Khỉ (Macaque spp).
“Sao la tượng trưng cho tất cả những điều quan trọng hiện đang bị đe doạ,” Giám đốc WWF Việt Nam, Tiến sĩ Văn Ngọc Thịnh trả lời Mekong Eye.
“Nếu chúng ta có thể cứu Sao la, chúng ta sẽ cứu được cảnh quan rừng, đa dạng sinh học và những lợi ích hệ sinh thái mang lại. Do đó, đây không chỉ đơn thuần là bảo vệ một loài động vật trong tình trạng nguy cấp”, ông Thịnh nói.
Hiện dự án “Cứu Sao la khỏi bờ vực tuyệt chủng” do WWF-Việt Nam triển khai và Liên minh Châu Âu tài trợ đang thử nghiệm một phương pháp mới, đó là thu thập mẫu nước (eDNA) để tìm kiếm các cá thể sao la còn tồn tại tại khu vực rừng từ Nghệ An đến Quảng Nam.
Dự án, bắt đầu từ tháng 10/2022 và kết thúc tháng 3/2024, sẽ thu thập khoảng 1.200 mẫu nước ở 15 lưu vực rừng đầu nguồn thuộc 6 tỉnh miền trung, khu vực Trung Trường Sơn. Đồng thời dự án sẽ thực hiện các chương trình như khảo sát cộng đồng dân cư gồm những người dân có kiến thức sinh thái bản địa để tiếp tục tìm kiếm thông tin về Sao la.
“Chúng tôi đang chạy đua với thời gian để bảo vệ loài Sao la và nỗ lực hết sức để bảo vệ sự sống còn của chúng qua chương trình nhân giống để tái thả về tự nhiên; tăng cường nỗ lực thực thi pháp luật nhằm loại bỏ săn bắt, buôn bán động vật hoang dã trái phép; và phục hồi môi trường sống của chúng. Chúng tôi hướng đến một sinh cảnh được phục hồi nơi quần thể các loài hoang dã được phát triển và sinh sôi, trong đó có Sao la,” Tiến sĩ Văn Ngọc Thịnh nói với Mekong Eye.
“Đây là cuộc chiến nhằm cứu lấy thiên nhiên, các lợi ích sinh thái, sinh kế cộng đồng, và tất cả những gì mà loài Sao la đại diện.”, ông Thịnh nhấn mạnh.