Read the English version here.
SÓC TRĂNG, CÀ MAU & THÁI BÌNH – Một buổi sáng tháng 10, dù đang bận rộn thu hoạch lúa và xuống hành giống nhưng các thành viên tổ bảo vệ rừng cộng đồng ở Hạt Kiểm lâm Vĩnh Hải, thị xã Vĩnh Châu, tỉnh Sóc Trăng vẫn có mặt và báo cáo việc bảo vệ rừng chính xác đến từng… cây một.
Hạt chỉ có vỏn vẹn chín kiểm lâm quản lý 4300 hecta rừng trên một khu vực trải dài hơn 43 km, nên tổ bảo vệ rừng cộng đồng, thường là những hộ sống ven rừng, hay còn gọi là “tai mắt nhân dân,” được giao nhiệm vụ giám sát, hễ cứ nghe tiếng búa đốn là phải tới ngay.
Từng vụ việc đều được phản ánh trong báo cáo của Chi cục Kiểm lâm Sóc Trăng mỗi quý. Chi tiết tới mức, trước cuộc họp này, trong báo cáo quý III năm 2023, Chi cục ghi nhận đã xử lý hành chính một vụ vi phạm hai người chặt 18 cây bần và mắm về làm củi, một vụ cuốc vào đường nước, một vụ tự ý trồng dừa vào trong rừng, với tinh thần “mất một tí xíu là kiểm lâm đi xử ngay”.
“Mướn người đào cái rãnh rộng hai thước để nuôi cá kèo mà trên tỉnh cũng xuống, phó chủ tịch tỉnh đi kiểm tra,” anh Thạch Bun Thol, tổ trưởng tổ bảo vệ rừng ấp Âu Thọ B kể.
Cũng như Sóc Trăng, nhiều tỉnh ở đồng bằng Sông Cửu Long đang ráo riết giữ diện tích rừng ngập mặn ít ỏi còn sót lại. Ở Cà Mau, các nhà quản lý cấp tỉnh tự đặt ra yêu cầu với chính mình rằng phải “thuộc rừng như lòng bàn tay”, nhất là sau những cú sốc thiên tai liên tiếp đầu những năm 2000.
“Vùng bán đảo Cà Mau là vùng đất thấp, vùng bãi bồi, nếu không có rừng ngập mặn này thì trước ảnh hưởng của biến đổi khí hậu, nước biển dâng, toàn bộ cơ sở hạ tầng, đời sống dân cư của cả cái tỉnh Cà Mau này nói riêng và cả đồng bằng này bị ảnh hưởng đến mức nào?” – ông Trần Văn Thức, Phó Giám đốc Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn tỉnh Cà Mau nói với phóng viên.
Rốt ráo là vậy nhưng sau hơn ba thập kỉ chuyển đổi đất rừng sang nuôi trồng thủy sản và các mục đích kinh tế khác, hệ lụy của biến đổi khí hậu như nước biển dâng, cùng với sạt lở diện rộng do các hoạt động kinh tế, rừng ngập mặn đang dần dần biến mất khỏi bản đồ của nhiều địa phương ở Việt Nam.
Ở Cà Mau, nơi có diện tích rừng lớn nhất và trù phú nhất Việt Nam, hơn 50% diện tích rừng bị mất đi do bị biến thành ao nuôi tôm từ 1973 đến 2008. Vườn Quốc gia Xuân Thủy, khu Ramsar đầu tiên ở Việt Nam và là vùng lõi khu dự trữ sinh quyển thế giới khu vực đồng bằng sông Hồng, cũng chỉ giữ được khoảng 37% diện tích rừng so với năm 1986. Từ năm 1988 đến năm 2018, diện tích rừng ngập mặn ở Sóc Trăng đã giảm 55%, còn Bạc Liêu giảm tới 90%.
Hệ sinh thái độc nhất vô nhị này không chỉ nuôi dưỡng và bảo vệ cả hai đồng bằng lớn nhất cả nước, mà còn ảnh hưởng lớn về mặt kinh tế, xã hội mà đến nay các báo cáo tác động môi trường chưa thể đo lường hết. Nhìn gần, chỉ riêng một mớ rễ cây mắm cây đước cũng là một khu rừng nhỏ nhô lên trên mặt nước, có thể lọc nước ngọt từ nước biển và là vườn ươm cho cá, động vật giáp xác và động vật có vỏ. Ước tính tới 90% các loài sinh vật biển phải sống một phần cuộc đời trong rừng ngập mặn, hoặc là sinh đẻ, trưởng thành, trú ngụ, và 80% lượng khai thác thủy hải sản toàn cầu dựa vào hệ sinh thái này.
Mất rừng ngập mặn không phải chỉ là tình trạng riêng Việt Nam gặp phải. Ở Thái Lan, ước tính đến năm 1993, đã chuyển đổi 38%–65% diện tích rừng ngập mặn thành trang trại nuôi tôm. Trên toàn thế giới, 35% diện tích rừng ngập mặn đã biến mất từ năm 1980 đến năm 2000, nguyên nhân chủ yếu do con người, trong đó lớn nhất vẫn là lấy đất rừng nuôi trồng thủy sản và canh tác nông nghiệp.
Theo một dự báo toàn cầu, nếu kịch bản nước biển dâng hiện nay không có gì thay đổi, rừng ngập mặn của Việt Nam sẽ nằm trong số những mảnh rừng cuối cùng trên thế giới. Khoảng 30 năm nữa, chỉ chưa đầy một đời người, có tới 95% xác suất trên thế giới sẽ không còn rừng ngập mặn do nước biển dâng cao quá khả năng bồi tụ bền vững ở các vùng rừng và ngập quá khả năng chịu đựng của rừng ngập mặn, vì hiện nay đa phần rừng ngập mặn nằm ở độ cao gần ngưỡng ngập nước.
Từ đước, bần đến những vuông tôm
Những vuông tôm sát rừng ngập mặn ở Vĩnh Châu, Sóc Trăng. ẢNH: Thành Nguyễn.
“Xung quanh đây từng là rừng hết,” anh Nguyễn Hưng (tên nhân vật đã được thay đổi) ở ấp Huỳnh Kỳ, xã Vĩnh Hải, Vĩnh Châu kể lại. Anh vốn tự khoanh rừng nuôi tôm cá theo phương thức quảng canh – tức là dựa hoàn toàn vào nguồn lợi từ rừng, hớt bớt đất lên để có một lòng kênh đủ rộng, rồi chỉ cần quây lưới lại để cua cá không bơi ra ngoài, làm cống xả nước mỗi tháng hai lần là đã có đủ tôm cua cá mang bán. Rừng ngập mặn có nước ra vào theo thủy triều, ấu trùng tôm cua cá tự theo con nước đó, tự ăn các loài phiêu sinh rất dồi dào dưới tán rừng và sinh sôi.
Rừng ngập mặn còn nuôi nấng những thân phận nhỏ bé theo cách “âm thầm” hơn mà ít ai để ý, phù hợp với lao động nữ và trẻ em, đó là cung cấp nguồn dinh dưỡng và giúp mang lại “đồng ra đồng vào” hàng ngày. “Những buổi nước lớn thì thường bắt được cá đối, sam, buổi nước ròng (nước cạn) thì mình và con ra bãi bồi đào chem chép, ngao, sò huyết giống … mang bán”, chị Hường (tên nhân vật đã được thay đổi) vợ anh Hưng kể. Số tiền mỗi ngày chừng 100.000 đồng nhưng cũng đủ để mua sách vở, quần áo, vé xe bus đến trường cho cô con gái đang đi học lớp 6.
Nhưng rồi chỉ dựa vào rừng không đủ, trong vùng kẻ trước người sau, mà theo lời anh Hưng là “nhiều lắm, không kể hết được,” đều nhất loạt chuyển sang nuôi tôm thâm canh. Đó là vào đầu những năm 1990, thời điểm cơn sốt nuôi tôm công nghiệp bùng nổ, đem lại ước mơ đổi đời cho bao nhiêu cư dân cả hai vùng đồng bằng lớn ở Việt Nam.
Phong trào nuôi tôm thâm canh lây lan nhanh, không chỉ vì lợi ích kinh tế trước mắt mà còn do đặc thù địa lý. Các vùng khoanh nuôi quảng canh của dân gần như không có ranh giới, ở Đồng bằng Sông Cửu Long nước chảy “luông tuồng” giữa hơn 26.000 con sông, ngòi, kênh rạch tự nhiên. Việc kiểm soát chất lượng nước giữa các vuông tôm quảng canh hay thâm canh rất khó, thậm chí là không tưởng.
“Mình đang nuôi quảng canh để thả tôm bạc, tôm đất, tôm thẻ, thả cua nhưng dần xung quanh mọi người ủi ao lên hết, xử lý nước, tạt thuốc, bơm nước từ ruộng họ ra rồi thì mình buộc phải làm theo,” anh Hưng giải thích. “Nếu mình không ngăn thành vuông thâm canh, khi người ta xả nước ra rồi con nước lớn chảy vào vuông tôm của mình là tôm chết hết.”
Do đó, anh Hưng cũng chặt và đốt hết cây, múc bờ rồi ủi thành hai vuông tôm rộng khoảng 1 ha. Đất rừng mới khai phá vẫn chưa có mầm bệnh nên những ngày tháng hoàng kim của tôm thâm canh tới rất nhanh, anh Hưng trúng ngay hai vụ lời hai trăm triệu sửa nhà cho ba. Cùng thời gian đó, chỉ riêng ở tiểu khu anh đang ở đã có mấy chục hộ cùng chuyển sang nuôi tôm thâm canh, chưa nói đến toàn ấp.
Nhưng cũng chỉ ba năm sau, anh Hưng không thể lý giải nổi nguyên nhân vì sao khi rừng biến mất, vẫn dòng nước ấy trong kênh dẫn vào, nuôi tôm thâm canh lại thất thu liền hai vụ. “Tôm bịnh chết hàng loạt, không chết ngay khi mới thả mà lớn gần tới ngày thu mới sình bụng chết hết,” anh kể.
Vì tính sơ tiền xe ủi cải tạo, con giống mới, thuốc men, hóa chất, dầu hết khoảng 70 triệu hai ao, anh Hưng bỏ luôn hai vuông tôm, từ đó đến nay đã năm năm. Mấy chục ao nuôi thâm canh gần nhà anh cũng trong tình cảnh thất tôm, bỏ ao hoặc cho người khác thuê lại để nuôi cá – thứ ít bệnh hơn mặc dù đòi hỏi trường vốn hơn nuôi tôm rất nhiều do thời gian nuôi lâu tính bằng hai năm thay vì vài tháng, và các đại lý vật tư, thức ăn cho cá cũng không cho vay nợ.
Thân phận người nông dân sống nương tựa vào rừng ngập mặn ở Đồng bằng sông Hồng cũng tương tự như ở phía nam. Là người từng trải, có kinh nghiệm nuôi tôm quảng canh dưới tán rừng và nuôi tôm công nghiệp ở mạn Cần Thơ, Bạc Liêu nhưng đến khi trở về quê nhà ở Cồn Đen, xã Thái Đô, Thái Thụy, Thái Bình, anh An (tên nhân vật đã được thay đổi) cho biết chỉ đi nuôi tôm thuê chứ kiên quyết không tự nuôi thâm canh vì đã thấy nhiều nhà năm trúng, năm thua thất thường.
“Nguồn nước ở xung quanh đây ô nhiễm hết rồi, không thể kiểm soát được,” anh chia sẻ và ước chừng rằng có cố gắng cách mấy anh cũng sẽ cầm chắc khả năng thua lỗ tới bảy phần mười.
Nhiều nông dân ở cả hai vùng đồng bằng phóng viên đã tiếp xúc đều chắc chắn rằng, một khi đã đào ao, xử lý hóa chất chuyển sang nuôi tôm thâm canh thì ao sâu, đất chai cứng không bao giờ có thể quay trở lại thành rừng ngập mặn để canh tác dưới tán rừng được nữa.
Cuộc chạy đua với nước biển dâng
dưới áp lực phát triển kinh tế
Một phần khu vực rừng ngập mặn bị sóng đánh ở Vĩnh Hải, Vĩnh Châu, Sóc Trăng. ẢNH: Thành Nguyễn.
Nếu như việc nuôi tôm giống như tằm ăn nong lá, khiến cả vùng rừng ngập mặn chuyển màu lúc nào không hay, thì sạt lở ven biển đột ngột lấy đi từng mảng rừng lớn tính bằng hàng trăm hecta. Cà Mau mỗi năm bị sóng biển “ngoạm” mất 300-400 ha, thậm chí có năm lên tới 500 ha, theo ông Thức. Nếu rừng ngập mặn của Cà Mau bị sạt lở là một thị trấn, thì trong 10 năm chúng ta đã mất một diện tích gần tương đương thị trấn Rạch Gốc, huyện lị của huyện Ngọc Hiển.
Không chỉ riêng Cà Mau, cả đồng bằng sông Cửu Long đã mất đường đai dọc bờ biển khoảng 2,3 km2 mỗi năm trong giai đoạn 2003–2012.
Xói lở dọc bờ biển không đơn giản là thiên tai mà do chính các hoạt động của con người gây ra. Cả sông Hồng và sông Mekongliên tiếp bị chặn dòng để làm thủy điện, cùng với khai thác nạo vét cát quá mức đã giảm mạnh tải lượng phù sa bồi đắp ra các cửa sông. Các tính toán gần đây cho thấy tải lượng phù sa sông Mekong giảm khoảng 74%, tải lượng phù sa sông Hồng giảm 91%, làm ảnh hưởng nghiêm trọng tới quá trình bồi tụ đất tạo nên các bãi bồi – tiền để để hình thành rừng ngập mặn. Trong khi đó, việc xây dựng các công trình kỹ thuật, đê biển để bảo vệ các khu dân cư và hạ tầng, bảo vệ các khu nuôi trồng thủy sản lại càng làm giảm khả năng tiêu sóng của diện tích rừng ít ỏi còn sót lại.
Nhìn từ dữ liệu vệ tinh, diện tích rừng đang bắt đầu có dấu hiệu tăng nhẹ trong vài năm gần đây, nhờ các khu vực khoanh nuôi trồng mới, dần dần xây cả kè cứng để chắn sóng che cho rừng trồng mới, cũng như một số khu vực giao đất giao rừng cho dân, tuy nhiên diện tích tăng lên mới chỉ gần đủ bù vào diện tích rừng đã mất đi hàng năm do sạt lở ngày càng trầm trọng, theo ước lượng của ông Trần Văn Thức, Phó Giám đốc Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn tỉnh Cà Mau và TS. Võ Quốc Tuấn, Trưởng phòng thí nghiệm GIS & Viễn Thám, Đại học Cần Thơ.
“Nếu không có những thay đổi mạnh hơn nữa để gia tăng diện tích rừng nhanh hơn thì rất khó chạy đua được với sạt lở ven biển,” TS. Võ Quốc Tuấn cho hay.
Trong dài hạn, các đập thủy điện quy mô lớn kết hợp với tình trạng lún tăng nhanh và nước biển dâng sẽ càng làm hiện tượng xói lở ven biển ở đồng bằng sông Cửu Long trầm trọng hơn nữa. Rừng ngập mặn cần có thời gian ngâm nước và thời gian nước rút cạn để thở, và nếu nước biển dâng cao quá ngưỡng chịu đựng của các loại cây trong rừng khiến rễ cây chìm ngập hoàn toàn trong thời gian dài thì rừng ngập mặn sẽ “chết đuối” vì “ngộp thở”.
Trong ba mươi năm qua, diện tích rừng ngập mặn đã bị thu hẹp đáng kể để phát triển kinh tế. Ở một số địa điểm, rừng đã gần như nhường chỗ hoàn toàn cho các khu đô thị, các dự án phát triển kinh tế xã hội.
Chẳng hạn, các dự án xây dựng các khu dân cư và đường xá đã xóa sổ hầu hết rừng ngập mặn của thành phố Rạch Giá, Kiên Giang (hiện nay, chỉ còn 1% diện tích đất của Rạch Giá được bao phủ bởi rừng ngập mặn). Tương tự, rừng ngập mặn huyện Trà Cú ở tỉnh Trà Vinh, từng che phủ hơn 20%, hầu như đã mất hết do phát triển công nghiệp hóa.*
Cần một cách đánh giá
tác động môi trường khác
Khu vực rừng ngập mặn còn xanh tốt ở Sóc Trăng. ẢNH: Thành Nguyễn
Để nhìn nhận toàn diện hơn về vai trò của rừng ngập mặn, từ đó đưa ra các quyết định chính sách bảo vệ, trồng lại rừng hay chấp nhận đánh đổi vì các mục tiêu kinh tế xã hội khác, chúng ta cần một cách đánh giá tác động môi trường khác trước.
“Rừng ngập mặn hiện là một công cụ tốt để đối phó/thích ứng với tình trạng nước biển dâng do biến đổi khí hậu, trong khi giải pháp xây đê biển cứng tốn nhiều chi phí và chứa đựng nhiều rủi ro. Nhưng giá trị chống xói mòn, bảo vệ bờ biển của rừng ngập mặn thường bị bỏ qua trong các phân tích chính sách khi lựa chọn các phương án chuyển đổi sử dụng đất”, PGS.TS Phạm Khánh Nam, Viện Kinh tế Môi trường Đông Nam Á (EEPSEA), Đại học Kinh tế TP. HCM cho biết.
“Trong các tính toán ở Việt Nam thì nuôi tôm công nghiệp đem lại nhiều lợi ích bằng tiền trên 1 ha hơn là lợi ích của rừng ngập mặn trên 1 ha,” PGS.TS phân tích. Theo ông Nam, giá trị rừng ngập mặn (hay tổng giá trị kinh tế) thường bị tính thiếu, và tính không đúng các giá trị duy trì đa dạng sinh học, giá trị phi sử dụng, giá trị hấp thụ carbon. Thậm chí ngay cả khi ước tính về giá trị hấp thụ carbon rồi vẫn có thể tính thiếu, ví dụ có nghiên cứu tính giá 1 tấn carbon vào khoảng 11 USD nhưng giá trị thực sự có thể khoảng 60 USD/tấn.
“Giá trị lợi ích rừng ngập mặn là cho cả xã hội, cho người dân sống trong khu vực rừng ngập mặn (khai thác gỗ, thủy sản v.v.), cho người dân gần đó được rừng bảo vệ chống xói mòn đất, điều hòa khí hậu, lọc nước, cho người dân cả nước, cho người dân toàn cầu (hấp thụ carbon giảm tác nhân gây biến đổi khí hậu). Giá trị này không thể hiện bằng dòng tiền mà thường thể hiện bằng phúc lợi tăng lên,” PGS.TS Phạm Khánh Nam giải thích.
Khi đánh đổi rừng ngập mặn, giá trị lợi ích từ nuôi tôm công nghiệp hoặc các dự án kinh tế thì thường được đo bằng tiền và dành cho nhóm người đầu tư. “Nhưng nếu tính về tác động phân phối/sự bình đẳng trong phân chia lợi ích từ tài nguyên chung thì rừng ngập mặn làm tốt hơn nhiều,” ông Nam nói.
Để đo lường được giá trị của rừng ngập mặn, các nhà khoa học và nhà quản lý phải có dữ liệu chính xác và thống nhất về hiện trạng rừng, đo lường cụ thể từng hoạt động kinh tế dưới tán rừng, chuỗi kinh tế từ rừng, những tác động gián tiếp cũng như những giá trị đó mất đi ra sao khi từng diện tích rừng mất đi, và đây cũng là cách đánh giá phổ biến ở nhiều nước, theo PGS.TS Phạm Khánh Nam. Nhưng các đánh giá tác động môi trường hiện nay của chúng ta mới chỉ giới hạn ở mô tả dự án xây dựng, các biện pháp xả thải, thu gom và xử lý chất thải, tham vấn ý kiến cộng đồng, mà chưa lượng giá được những giá trị hiện có và giá trị sẽ mất đi vĩnh viễn. Chưa kể, với đặc thù của hệ sinh thái ngập mặn, việc tác động môi trường ở đầu nguồn rất có thể sẽ dẫn tới hệ lụy ở cuối nguồn.
Những hi vọng cuối cùng
Rừng ngập mặn gắn liền với sinh kế của người dân đồng bằng. ẢNH: Thành Nguyễn
Liên kết đầu nguồn – cuối nguồn chính là vấn đề mà mô hình nuôi tôm sinh thái dưới tán rừng ngập mặn kết hợp du lịch cộng đồng, một giải pháp đang được đặt nhiều kỳ vọng, ở nơi cuối nguồn của dòng Mekong là Cà Mau và một số địa điểm lẻ tẻ ở các tỉnh khác, đang phải đối mặt.
Các vùng nuôi tôm sinh thái dưới tán rừng ở huyện Năm Căn và Ngọc Hiển, địa giới của Vườn Quốc gia Đất mũi và Rừng phòng hộ Đất mũi nằm, đang đòi hỏi người nông dân phải nuôi không hóa chất, không thức ăn, thậm chí không được sử dụng men vi sinh giúp phân hủy lá cây rụng xuống. Nhưng thực tế nước lấy vào các vuông tôm lại chảy khắp hệ thống kênh rạch chứ không chịu khu trú trong các ốc đảo.
“Ở thị trấn Rạch Gốc và các vùng khác được nuôi công nghiệp nhưng không may không xử lý tốt hoặc nhằm năm tôm bệnh, thất nhưng không còn tiền xử lý nước, cứ xả ra sông, xả theo thủy triều thì nhằm con nước lớn đưa vô (vào vuông của mình). Xả đầu nguồn thì cuối nguồn lấy nước bị nhiễm,” anh Nguyễn Tấn Lợi, xã Viên An, huyện Ngọc Hiển, Cà Mau cho biết.
Nhiều hộ như gia đình anh Lợi đã bị chết trắng cả vụ tôm sinh thái. Chưa kể, phần lớn các hộ có diện tích đất dưới 3ha, chiếm khoảng 30-40% tổng số hộ nuôi tôm sinh thái ở Cà Mau, chưa thể giữ tỉ lệ rừng chiếm 60% diện tích được giao như khuyến cáo của ngành nông nghiệp mà muốn âm thầm mở rộng diện tích mặt nước để nuôi tôm. Tăng diện tích mặt nước hay tăng mật độ nuôi sẽ lại khiến những ao nuôi tôm quảng canh càng trở nên mong manh dễ nhiễm bệnh hơn.
“Đã muộn để kiểm soát bệnh từ các đầm nuôi tôm thâm canh trong điều kiện kênh rạch chằng chịt,” một nhà sinh học Việt Nam nghiên cứu về các loài giáp xác đang làm việc tại châu Âu (nhân vật xin phép giấu tên) cho biết. “Thực tế bệnh ở tôm đã lưu hành ở đồng bằng này từ 20 năm nay, kể từ khi chúng ta nhập tôm ngoại lai vào Việt Nam và nhân giống để phục vụ ngành tôm phát triển bùng nổ. Chưa kể các ao nuôi thâm canh, nhất là ở quy mô nông hộ thường càng khó xử lý chất thải hữu cơ của tôm, tẩy ao nuôi, xả nước theo quy trình chặt chẽ,” ông nói thêm.
Hi vọng duy nhất hiện nay, theo nhà nghiên cứu này, là vào việc giữ được nhiều rừng và hi vọng vào khả năng lọc nước của rừng, bởi rất khó có tỉnh nào đủ sức khoanh vùng để không bị ảnh hưởng từ nước ở nơi khác chảy vào.
Còn đối với những vùng đất đã bị chuyển thành ao nuôi thâm canh từ cả chục năm trước nhưng thất trong nhiều vụ, thì việc chuyển đổi gì tiếp theo vẫn là một dấu hỏi bỏ ngỏ. Chỉ cho chúng tôi cả loạt ao sâu hoắm, đất chai cứng sau một thời gian xử lý hóa chất, anh Hưng cho biết giờ anh trồng hành, trồng dưa hấu và đi làm mướn đắp vô tiền lỗ. Còn bìa rừng, dù bị sóng đánh sạt lở cả một khoảng rộng mênh mông nhưng vẫn đang chắt chiu nuôi nấng lại con người, vợ của anh vẫn kiếm đồng ra đồng vào nhờ đi bắt chem chép, ngao, sò… ở bãi bồi nơi bìa rừng hằng ngày.
Tương lai bấp bênh
Vợ con anh Hưng bắt chem chép ở bìa rừng bị sóng đánh. ẢNH: Thành Nguyễn
Dù cứu rừng ngập mặn cũng đồng nghĩa với việc cứu lấy sự ổn định ở hai đồng bằng, rừng ngập mặn tiếp tục bị đánh đổi cho các mục đích kinh tế. Tháng 4/2023, tỉnh Thái Bình đã quyết định sẽ chuyển đổi Khu bảo tồn thiên nhiên đất ngập nước Tiền Hải thành khu đô thị, khu kinh tế ven biển. Đây là một quyết định gây tranh cãi rất lớn do Khu bảo tồn này nằm đối diện Vườn Quốc gia Xuân Thủy, Nam Định và cả hai nơi đều được UNESCO công nhận trong vùng dự trữ sinh quyển sông Hồng. Chưa nói tới các giá trị kinh tế mà rừng ngập mặn và các bãi bồi mang lại, nếu giữ được rừng ngập mặn, nơi đây sẽ giúp hóa giải được những cơn bão đập thẳng vào đất liền cũng như tích lũy được carbon gấp bốn lần so với rừng thông thường.
Tháng 11/2023, phóng viên đã liên hệ và gửi câu hỏi phỏng vấn nhưng không nhận được câu trả lời của các nhà quản lý ở Thái Bình.
Anh Thạch Bun Thol, tổ trưởng tổ bảo vệ rừng ở ấp Âu Thọ B, Vĩnh Hải, Sóc Trăng còn nhớ như in cơn sóng thần năm 1995 đánh tan tành toàn bộ hàng dương, và cơn bão Linda năm 1997 đã lấy đi hơn 3.000 sinh mạng, để nhà cửa ruộng vườn tan hoang, chỉ còn trơ lại nền nhà.
Ba thập kỷ đã trôi qua kể từ ngày ấp Âu Thọ A và B bị sóng thần và bão tàn phá, dải rừng dọc đai biển của hai ấp đã được trồng lại, cây đã lớn đủ tuổi để bảo vệ làng mạc.
“Ba năm trước nước lớn, sóng đánh nhưng ngủ có biết gì đâu, sáng hôm sau ngủ dậy thấy dép nổi lên mới biết hôm nước đánh vào nhưng đã có rừng chặn lại rồi, nước lên từ từ êm quá không biết luôn,” anh Bun Thol kể.
Tài liệu tham khảo
*Phạm Khánh Nam và cộng sự, “Mainstreaming natural capital into sustainable development policies and actions – a rapid assessment of mangrove ecosystem services in the Mekong Delta,” 2018.
Bài viết được thực hiện với hỗ trợ từ Mạng lưới báo chí Trái đất của Internews và được đăng tải lần đầu tiên bằng tiếng Việt trên tạp chí Tia Sáng ngày 28/1/2024. Bài đã được Mekong Eye biên tập lại và dịch sang tiếng Anh. Đọc bản tiếng Anh tại đây.