Read the English version here.
BẠC LIÊU, VIỆT NAM – Cuối tháng 7, sau khi thu hoạch tôm sú, ông Lê Tấn Lập, 64, bắt đầu thả 20 nghìn tôm càng xanh giống trên một héc ta đất canh tác ở ấp Bình Tốt B, huyện Phước Long, tỉnh Bạc Liêu. Hai tháng sau, trên cùng vuông tôm càng xanh ấy, ông sạ lúa, bắt đầu vụ Thu – Đông.
Mô hình “con tôm ôm cây lúa” mà ông Lập đang áp dụng là một bước cải tiến mới từ mô hình luân canh tôm – lúa để nâng cao khả năng thích ứng cho người dân ở vùng Đồng bằng Sông Cửu Long, đặc biệt là những vùng bị nhiễm mặn vào mùa khô.
Nhà ông Lập nằm cạnh con kênh đổ dài 40km ra biển, nơi dòng nước mặn – ngọt có sự biến đổi theo từng mùa. Mùa khô, từ tháng 12 đến tháng 6, ông để nước mặn đi vào ruộng, thả tôm sú là giống thường sống ở vùng biển, ưa nước mặn. Sau khi thu hoạch tôm, ông bơm nước vào ao để rửa mặn và phơi đất. Mùa mưa, từ tháng 8 đến tháng 11, ông tận dụng nguồn nước mưa để ngọt hóa đồng ruộng, trồng lúa đồng thời thả tôm càng xanh, loài nước ngọt nhưng có thể thích nghi tốt với độ mặn cao ở thời kỳ sinh sản.
Làm nông đã hàng chục năm và chứng kiến quá trình xâm nhập mặn ở ĐBSCL, ông Lập đã trải qua nhiều mô hình nông nghiệp, nhưng “con tôm ôm cây lúa” hiện mang lại lợi nhuận tốt hơn và có tính bền vững hơn cả.
Kể từ 2017 đến nay, ba nguồn sinh kế trên cho ông Lập lợi nhuận trung bình mỗi năm khoảng 20-30 triệu đồng với vụ lúa và 60-80 triệu đồng với hai vụ tôm – cao hơn hẳn so với các mô hình khác ông từng áp dụng
“Tôm ăn thức ăn từ cây lúa, trong khi đó, lúa giúp điều tiết nước nuôi tôm,” ông Lập cho hay. “Nếu nhiệt độ tăng cao thất thường thì tôm có lúa bên trên làm bóng mát, sẽ hạn chế độ mặn trong nước tăng đột ngột.”
“Cách thức trồng lúa nuôi tôm luân, xen canh là mô hình tự thích ứng, giúp người dân có thể luân theo con nước trong sản xuất để thích ứng với tốc độ khí hậu biến đổi, giảm tác động tới môi trường,” PGS.TS Dương Nhựt Long, Khoa Thuỷ Sản trường Đại học Cần Thơ cho biết.
Việc trồng lúa trong mô hình này có vai trò quan trọng trong điều tiết nước nuôi tôm và giảm nồng độ muối trong đất bị nhiễm mặn. Điều này không chỉ tạo điều kiện cho vụ mùa tôm sau đó mà còn giúp tránh tình trạng đất bị nhiễm mặn hoàn toàn không thể trồng lúa được nữa.
Theo báo cáo của Tổng cục Thủy sản vào năm 2022, diện tích mô hình luân canh tôm – lúa ước đạt khoảng 25% tổng diện tích nuôi tôm tại Đồng bằng sông Cửu Long (190 trên 747 nghìn ha), tập trung ở nhiều tỉnh thành ven biển. Sản lượng tôm nuôi đạt 1,08 tỷ tấn; trong đó sản lượng tôm-lúa đạt khoảng 100 nghìn tấn tôm sú, tôm thẻ chân trắng và trên 20 nghìn tấn tôm càng xanh.
Tổng diện tích nuôi càng xanh trên đất lúa, tức “con tôm ôm cây lúa,” ở Bạc Liêu dù còn nhỏ, đã tăng đáng kể từ 300 ha năm 2017 lên 13.000 ha năm 2023.
Hành trình “luân theo con nước”
Năm 1995, khi bắt đầu thấy hiện tượng xâm nhập mặn khiến lúa liên tục mất mùa, ông Lập đưa nước mặn vào ruộng lúa thả vụ tôm sú đầu tiên.
Khởi đầu chỉ là thử nghiệm theo bản năng của nông dân, mô hình luân canh lúa – tôm sau này trở thành chính sách được nhà nước khuyến khích. Năm 2000, nghị quyết số 09/2000/NQ-CP định hướng phát triển cơ cấu sản xuất nông nghiệp trong 10 năm theo trọng tâm lúa – cây công nghiệp, cây ăn trái – thuỷ sản; đồng thời cho phép người dân chuyển đổi hình thức canh tác ở những vùng đất xấu bị khô hạn hoặc nhiễm mặn chuyển sang trồng hoa màu và nuôi thuỷ sản.
Sự thay đổi không dừng lại ở đó. Ông Lập đã tham gia các đợt tập huấn kỹ thuật nuôi trồng do hợp tác xã trong vùng tổ chức, nhằm tìm kiếm giải pháp cho các thách thức môi trường và kinh tế trong nông nghiệp. Dần dần,ng chuyển từ chuyên canh 2 vụ tôm một năm, sau đó là 2 vụ tôm và 1 vụ lúa, và hiện tại là mô hình luân và xen canh lúa- tôm.
Ngồi chặt nhỏ từng miếng cùi dừa rồi sau đó ném xuống ao cho tôm ăn, ông Lập cho biết, tôm càng xanh chủ yếu ăn thức ăn tự nhiên như tảo và vi sinh vật có từ cây lúa, nhờ đó tôm khỏe mạnh và giảm khả năng bị bệnh. Ngoài ra khi cần thiết, ông sẽ dùng thức ăn công nghiệp để tôm có sự phát triển tốt hơn.
“So với vụ mùa tôm sú thì nuôi tôm càng xanh khá nhàn,” ông chia sẻ.
Để “luân theo con nước,” trước nguy cơ xâm nhập mặn ngày càng trầm trọng, không chỉ người nông dân mà cả hệ sinh thái nông nghiệp cũng phải biến đổi. Các nhà nghiên cứu đã tìm kiếm và phát triển các giống lúa có thể chịu ở độ mặn thấp nhất định và các giống tôm nước mặn có thể chịu được nước lợ.
Theo ghi nhận của Chi cục trồng trọt tỉnh Bạc Liêu, giống lúa được trồng trên ao tôm trong khu vực chủ yếu là hai giống lúa ST24, ST25, có thể chịu được ở độ mặn thấp và thu hoạch được sau 90 – 120 ngày. Riêng giống lúa ST25 đã được công nhận là loại gạo ngon nhất thế giới vào năm 2019.
Tôm càng xanh nuôi xen canh ruộng lúa cũng có sự thay đổi về giống nuôi để phù hợp với nhu
cầu thị trường. Đầu những năm 2000, ở Việt Nam bắt đầu sản xuất nhân tạo giống tôm càng xanh. Đây được coi là cột mốc quan trọng trong việc phát triển trở lại nghề nuôi tôm càng xanh.
Hiện nay, thị trường giống tôm càng xanh chủ yếu là tôm càng xanh toàn đực, anh Nguyễn Vân Sơn, chủ một trại giống tôm càng xanh toàn đực được thành lập từ năm 2017 ở Cà Mau, chia sẻ.
“Vì kích thước tôm đực lớn hơn tôm cái rất nhiều, vì thế nhu cầu giống tôm toàn đực cũng tăng,” anh nói thêm.
Về tôm nước mặn, năm 2022, tập đoàn Việt Úc đã nghiên cứu và cho ra đời tôm giống thẻ chân trắng chuyên độ mặn cực thấp VUS Leader 1/000. Tôm thẻ chân trắng, vốn sống ở đáy biển hoặc nơi có độ mặn cao, nay được cải tiến để chịu được độ mặn thấp, tăng trưởng nhanh hơn, sức đề kháng mạnh hơn. Đại diện của Việt Úc cho biết, giống tôm này cũng thích nghi tốt hơn với điều kiện thổ nhưỡng, khí hậu, đặc biệt là trong những vùng có độ mặn cực thấp, bất chấp mưa lớn thất thường.
Còn những thách thức
Theo PGS.TS Lê Anh Tuấn, Giảng viên cao cấp, Viện nghiên cứu Biến đổi Khí hậu, trường Đại học Cần Thơ, dù được đánh giá cao về tính bền vững, ít rủi ro, thân thiện với môi trường nhưng mô hình “con tôm ôm cây lúa” vẫn còn đối mặt với nhiều thách thức.
Một trong những thách thức lớn nhất với người nông dân hiện nay là chất lượng con giống và cây trồng chưa ổn định, mặc dù các giống tôm – lúa xen canh đã trải qua nhiều sự thay đổi.
Trải nghiệm lần đầu với tôm giống chuyên độ mặn cực thấp VUS Leader 1/000 của anh Thái Phong Em, 35, ở huyện Thạnh Phú, tỉnh Bến Tre không đạt được kết quả như mong đợi.
Cuối tháng 6 âm lịch năm ngoái, anh Em thả nuôi 150.000 tôm giống chuyên độ mặn cực thấp, nhưng chỉ 50 ngày sau đó, anh đã phải thu hoạch tôm.
“Tỷ lệ đạt đầu con cao, nhưng tôm chậm lớn,” anh kể. “Thông thường, sau 60 ngày, tôm đã đạt kích thước có thể thu hoạch, nhưng lúc đó tôi không chỉ thấy chúng chậm lớn mà còn mắc bệnh phân trắng. Do không thấy triển vọng khả quan, tôi đã thu hoạch ngay mà không chữa trị bệnh cho tôm.”
Còn lúa của ông Lập năm ngoái đang đến giai đoạn trổ bông thì bị lép. Nhiều trà lúa khi thu hoạch hạt không được đẹp vì gặp mưa trái mùa ở cuối mùa vụ. “Dù bán hết và không giữ lại được chút nào để tiêu dùng gia đình, lợi nhuận cũng không bằng năm trước,” ông chia sẻ.
Ông đoán rằng một phần lý do có thể là ông đã mua giống lúa không đúng chất lượng của giống lúa ST24 mà ông vẫn trồng.
Lợi nhuận từ tôm cao hơn lúa dễ khiến người dân bỏ lúa chuyển sang độc canh nuôi tôm. Điều này có thể dẫn tới phá vỡ mô hình lúa – tôm.
Hướng tới một mô hình bền vững hơn
Được coi là giải pháp thích ứng với biến đổi khí hậu, nhưng để phát triển bền vững thì chính mô hình luân, xen canh lúa – tôm cũng cần có những giải pháp đối mặt với những thách thức nêu trên.
Nói về vấn đề này, ông Tuấn nhận định, bên cạnh việc nghiên cứu phát triển chất lượng con giống cây trồng và tập huấn kỹ thuật cho người dân, thì việc đầu tư một ao trữ nước để điều tiết nước trong sản xuất là một giải pháp quan trọng trong ứng phó biến đổi khí hậu.
“Hệ thống ao trữ nước có thể thu thập và lưu trữ nước trong thời gian mưa lớn, từ đó cung cấp nguồn nước dự phòng để sử dụng trong thời gian khô hạn hoặc khi độ mặn trong nước cao,” ông nói.
Ông Long cũng nhấn mạnh rằng, việc xây dựng ao trữ nước bên cạnh ao sản xuất lúa tôm có vai trò quan trọng trong việc điều tiết nguồn nước trong quá trình sản xuất, thích ứng biến đổi khí hậu. Đồng thời, tích hợp khoa học kỹ thuật vào sản xuất nông nghiệp có thể nâng cao hiệu suất sản xuất, giảm thiểu rủi ro và tối ưu hóa sử dụng tài nguyên thiên nhiên.
“Để làm được, cần có sự hợp tác giữa chính phủ, doanh nghiệp, và cộng đồng nông dân trong tìm kiếm và thực hiện các giải pháp bền vững và hiệu quả”, ông nói.
Đầu năm nay, theo dự báo, hiện tượng El Nino sẽ quay trở lại từ khoảng tháng 6 và kéo dài tới mùa khô 2023 – 2024. Trước nguy cơ thiếu nước ngọt vào cuối vụ, ông Lập đã sạ lúa sớm hơn so với cùng thời kỳ năm ngoái.
“Hy vọng có thể kịp thu hoạch trước khi nước mặn tràn về,” ông nói.